Thông tin liên lạc hỗ trợ hàng hải an toàn trong sương mù

09/10/2015 05:39:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Vùng biển nước ta có sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa phía Nam và phía Bắc Biển Đông, vào thời gian thích hợp khi có sự di chuyển của khối không khí nóng ẩm từ vùng biển phía Nam đến vùng biển lạnh phía Bắc sẽ tạo nên sương mù bình lưu. Khi xuất hiện loại sương mù này thì cường độ thường dày đặc, thời gian tồn tại lâu, làm giảm tầm nhìn gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tàu thuyền trên biển.

Sương mù dày đặc khiến tàu cá bị nạn.

Trong thời gian qua, nhiều vụ tai nạn đường thủy xảy ra do sương mù dày đặc. Trong điều kiện tầm nhìn hạn chế, nếu lơ là mất cảnh giác khi điều khiển tàu thuyền sẽ không tránh khỏi những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Chính vì vậy, khi hành trình trên biển trong tầm nhìn hạn chế, người điều khiển tàu cần phải nắm chắc những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, trước khi tàu đi vào vùng biển có sương mù, người điều khiển tàu cần quan sát và ghi nhận tình hình xung quanh, tận dụng mọi điều kiện để có thể xác định được một vị trí chính xác làm căn cứ cho việc tính toán đường đi; cần khởi động sẵn radar để tránh va một cách có hiệu quả. Tàu thuyền cố gắng tránh xa các chướng ngại vật nguy hiểm, tránh đi qua các khu vực có mật độ tàu thuyền đông đúc.

Thứ hai, cần duy trì giữ thông tin liên lạc trên sóng vô tuyến với các tàu trong khu vực, phát tín hiệu âm thanh, ánh sáng theo Quy tắc quốc tế 1972 về phòng ngừa va chạm trên biển khi đi trong tầm nhìn hạn chế. Khi nghe thấy tiếng còi của tàu khác đến từ phía trước chính ngang thì phải lập tức dừng máy, tiếp tục nghe ngóng, phân tích và phán đoán tình hình hoặc liên hệ trên sóng vô tuyến. Không được bẻ lái đổi hướng đi hoặc phát tín hiệu đổi hướng khi chưa nhìn thấy tàu kia. Khi nghi ngờ có chướng ngại vật nguy hiểm, nếu điều kiện cho phép, tốt nhất là dừng máy, thả neo chờ đến khi có vị trí xác định chính xác mới chạy tiếp. Cần hành động sớm và dứt khoát, đổi hướng hoặc thay đổi tốc độ phải đủ lớn để tàu khác dễ nhận biết.

Thứ ba, đối với các loại thiết bị hàng hải như la bàn, thiết bị vô tuyến hàng hải cần thường xuyên kiểm tra độ chính xác và tin cậy; người điều khiển tàu cần tận dụng tối đa chức năng các máy móc, phương tiện hàng hải, nhất là chức năng hỗ trợ đi trong sương mù. Đặc biệt là phải sử dụng triệt để các chức năng của radar để hành trình trong sương mù như: khi đi trong khu vực có mật độ tàu thuyền cao nên đặt vùng cảnh giới cho radar; còn ở vùng mật độ tàu thuyền thấp nên đặt radar ở chế độ phát sóng luân phiên (thời gian phát sóng và thời gian nghỉ).

Thứ tư, tàu thuyền nên giữ tốc độ an toàn. Khi chạy với tốc độ an toàn nên chuẩn bị máy, sẵn sàng lùi hết máy, khi chạy gần bờ hoặc trong luồng hẹp nên sẵn sàng neo, thậm chí cần phải thả neo lửng với độ dài xích neo lớn hơn mớn nước của tàu vài mét. Tuyệt đối không được chủ quan, hoặc quá tin tưởng vào thiết bị radar, hay vì lợi ích trước mắt của việc khai thác tàu mà không áp dụng tốc độ an toàn. Có thể xem tốc độ an toàn là tốc độ của phương tiện, nếu đột nhiên nhìn thấy một tàu lạ, thì với tốc độ đó tàu có thể dừng máy hoặc lùi hết máy để bảo đảm an toàn. Hầu hết các sự số phát sinh trong sương mù đều do tốc độ của phương tiện quá cao gây nên.

Thứ năm, tàu thuyền khi hành trình trên biển trong điều kiện sương mù phải luôn luôn duy trì việc cảnh giới. Tùy theo mật độ sương mù mà bố trí tăng cường người cảnh giới ở phía mũi, trong buồng lái. Người cảnh giới thực hiện đúng chức trách theo bảng bố trí đi trong sương mù. Trên tàu cần giữ yên lặng, trừ máy chính phải hoạt động, còn thì cho dừng tất cả các công việc gây nên tiếng động để không ảnh hưởng đến việc nghe tín hiệu sương mù từ tàu khác.

Cuối cùng, người điều khiển tàu nên thường xuyên lắng nghe các bản tin cảnh báo thời tiết biển, các thông báo, cảnh báo về sương mù của Hệ thống đài Thông tin duyên hải Việt Nam hay cơ quan Bảo đảm hàng hải. Ngoài ra, có thể dựa vào kinh nghiệm phán đoán về thời gian, địa điểm những vùng biển có thể xuất hiện sương mù như: ở nước ta sương mù bình lưu thường hình thành ở vùng biển phía Bắc vào 2 thời kỳ, từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau và từ tháng 3 đến tháng 4 khi mặt biển đang lạnh, kết hợp với gió Đông Nam mang không khí nóng, ẩm từ phía Nam thổi lên. Với lượng ẩm dồi dào sẵn có trên biển kết hợp với nhiệt độ lạnh giảm xuống dưới điểm sương hình thành nên sương mù.

ThS Nguyễn Thanh Điệp
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com